Tay vợt nào sở hữu những quả giao bóng có tốc độ cao luôn chiếm một ưu thế cực lớn trong trận đấu, trong những game được cầm giao bóng. Nhưng dường như thời của những tay vợt có cú giao bóng sấm sét kiểu như Andy Roddick cũng sớm lui vào thoái trào khi tennis lại sản sinh ra những bậc thầy trả giao bóng (return serve).

Tay vợt được coi là người có cú giao bóng khó đỡ nhất là gã khổng lồ người Croatia, Ivo Karlovic. Với chiều cao 2m08, rõ ràng Karlovic có lợi thể hơn hẳn các đối thủ khác ở chiều dài cẳng tay cũng như độ “cắm” trái bóng xuống sân. Đó là lý do vì sao Karlovic luôn nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng những tay vợt giành được nhiều cú ace nhất trong một mùa giải.

Federer trả giao bóng từ thế phòng thủ sang tấn công


Trong trận đấu của Karlovic tại Australian Open 2012, khi phải đối mặt với Roger Federer. Điểm mạnh giao bóng của Karlovic vẫn giữ nguyên với tổng cộng 15 cú ace trong cả trận. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ, bởi đối diện với một tay vợt trả giao bóng cự phách như Federer thì chỉ cần một lần bẻ giao bóng trong một game hoặc một mini-break cũng đủ để tay vợt người Thụy Sỹ giành chiến thắng trong từng set đấu.

Trong kỹ năng trả giao bóng, trả bằng trái tay luôn là khó khăn nhất, đặc biệt là với những tay vợt chơi cú trái bằng 1 tay như Federer. Hơn nữa tay vợt cầm giao bóng chắc chắn sẽ dồn đường bóng về phía trái tay của đối phương (như “chân lý”: Cả thế giới đều yếu trái!). Vậy Federer đã trả giao bóng trái tay như thế nào, để vừa phòng thủ nhưng cũng tạo thời cơ phản công trước những cú giao bóng cực mạnh của Karlovic?

Tư thế hoàn hảo cho cú trả trái tay của Federer



1. Đầu gối

Nếu gặp phải một cú giao bóng nặng khiến trái bóng bật cao tới tận mang tai thì bạn sẽ làm gì? Theo một cách tự nhiên sẽ là khuỵu thấp gối. Để chống đỡ cú giao bóng của đối thủ cần có một thế chân trụ vững để thực hiện cú trả giao bóng chuẩn xác. Federer không chỉ uốn cong đầu gối mà đồng thời dồn trọng lượng cơ thể về phía chân khuỵu. Vì vậy những người mới tập cần chú ý tập thêm những động tác khuỵu gối để hạ thấp trọng tâm cơ thể, không những giúp ích cho cú trả giao bóng mà còn nhiều cú quả khác.

2. Chân

Trong tennis chuyên nghiệp, các tay vợt thường có tư thế mở và mở vợt về phía sau nhưng Federer trong cú đánh này không hoàn toàn như vậy. Chân phải của anh bước lên phía trước và để toàn bộ bàn chân trên mặt đất, chân trái đứng bằng mũi tạo sự cân bằng cho cơ thể. Với thế chân vững như bàn thạch, Federer hoàn toàn chủ động trong tình huống phản công.

3. Vai

Cần phải xoay vai trong cú trả giao bóng trái tay này nhưng phải là toàn bộ vai như thế mở căn bản. Nên nhớ đây là cú đánh kiểm soát cú giao bóng mạnh của đối thủ, vì vậy vai vẫn cần giữ lại một mức độ vừa đủ để có thể ngăn mặt vợt bị xoay khi trái bóng nặng như búa bổ chạm mặt vợt.


4. Mở vợt

Đầu vợt của Federer để cao hơn điểm tiếp xúc bóng, một trong những lý giải vì sao cú trả bóng của Federer như cắt xuyên vào phần dưới trái bóng tạo nên độ xoáy underspin chìm xuống mặt sân. Điểm bóng chạm mặt vợt khi vợt hơi ngửa lên trên và trái bóng nằm bên phải chữ W in trên mặt vợt. Điểm đáng chú ý là cách cầm vợt trả giao bóng của Federer không giống như lúc anh đánh trái tay (cầm số 1 – eastern backhand) mà cầm số 2 – continential. Tay cầm vợt chặt hơn khi giao bóng hay volley. Một điều tiên quyết ở đây, đó là bạn phải kiểm soát được mặt vợt khi đỡ cú giao bóng, tránh để bị bung khiến cho cú đánh bị hỏng.

5. Đầu

Dù là tay vợt có cảm giác bóng tốt đến thế nào thì Federer cũng không hề rời mắt khỏi trái bóng, chỉ đến khi trái bóng rời mặt vợt và sang bên phần sân đối phương. Tại sao ánh mắt không được di chuyển khỏi trái bóng, vẫn với mục đích không làm trái bóng bất ngờ trái theo ý muốn của bạn.

6. Tay trái

Sau khi cầm vợt bằng 2 tay để chờ trả giao bóng, Federer vung tay trái về phía sau để tạo lực đẩy mạnh hơn cho tay phải. Nếu bạn quên mất điều này, để tay trái (tưởng như không có tác dụng gì trong cú trả giao bóng) vung vẩy và không có sự chắc chắn thì gần như 100% cú đánh của bạn sẽ thiếu lực!